Tôi ra huyện, ở nhà bà Năm Tự, nơi cô Thịnh và chị Nhường đang trọ học. Bà Năm Tự nom khá giống bà tôi, cũng nhỏ người, hiền lành, miệng lúc nào cũng nhai trầu, cái ống nhổ luôn luôn nằm dưới đầu giường.
Những năm ở trọ nhà bà Năm Tự, tôi nhớ mãi món canh rau dền. Trong vườn của bà, rau dền vô thiên lủng, chúng mọc chen chúc với cỏ dại và sinh sôi nảy nở bất tận. Chiều nào bà Năm Tự cũng cắp rổ ra vườn hái rau theo, nhưng tôi không hái rau dền cùng bà. Tôi thích lùng sục trong các bụi rậm để hái bông dủ dẻ hơn.
Bông dủ dẻ màu vàng, cánh cứng, lớn bằng đầu ngón tay cái, thơm lừng mùi dầu chuối. Bỏ một bông dủ dẻ trong túi áo, ba ngày sau người còn thơm ngát.
Bà Năm Tự không cần tôi hái rau giúp bà. Rau dền mọc um tùm, chỉ cần quơ tay ra là hái được cả nắm. Bà rủ tôi ra vườn là để nói chuyện cho đỡ buồn. Chồng chết, con trai lớn đi lính ở tít Ban Mê Thuột, bà sống thui thủi một mình, buồn hiu. Cô Thịnh và chị Nhường nghe chuyện của bà chán rồi, không muốn nghe nữa, bà quay sang trút nỗi buồn lên tôi. Dĩ nhiên chỉ có một mình bà nói, còn tôi nghe, tiếng được tiếng mất. Tôi lơ đãng nghe bà, mắt láo liên tìm bông dủ dẻ, còn chân thì khua khoắng các bụi cỏ cho châu chấu bay ra từng đàn coi chơi.
Bà Năm Tự nấu canh ra dền rất ngon nhưng chiều nào cũng ăn món đó, tôi đâm ngán. Tôi, cô Thịnh và chị Nhường liền chuyển sang tấn công dĩa cá rô chiên và chén đậu phộng rang dầm nước mắm, nhường tô canh lại cho bà.
Bà Năm Tự chẳng hề phật ý về chuyện đó. Chiều nào bà cũng lẳng lặng ăn hết một tô canh. Suốt bốn năm tôi trọ ở nhà bà, hình ảnh kinh hoàng đó cứ lặp đi lặp lại. Không một buổi chiều nào, trên mâm cơm vắng bóng tô canh quỷ quái đó. Vậy mà lũ rau dền chết tiệt trong vườn vẫn không chịu tàn lụi, chúng cứ mỗi ngày một tốt tươi.
…
Hà Lan không phải ở trọ như tôi. Nó ở nhà ông chú. Chú nó chạy xe cho một hãng xe đò thành phố, có đại lý ở huyện.
Nhà chú nó ở khác phía với nhà bà Năm Tự nên tôi và Hà Lan không thể đi chung với nhau như hồi còn học ở trường làng.
Đến lớp, chúng tôi cũng không còn dịp ngồi cạnh nhau nữa. Ở trường trung học, con trai ngồi riêng, con gái ngồi riêng. Hà Lan ngồi ở bàn đầu dãy bên trái, tôi ngồi ở bàn cuối dãy bên phải, cách nhau như mặt trời mặt trăng.
Lên lớp sáu, chúng tôi lại phải mặc đồng phục. Con gái mặc áo dài trắng. Con trai áo trắng quần xanh, áo bỏ vô quần, gài dây nịt hẳn hoi. Cách ăn mặc chững chạc khiến chúng tôi lớn hẳn lên. Điều đó đối với tôi quả là một tai họa.
Khi trở thành … người lớn, bọn con gái đâm ra không thèm chơi chung với đám con trai nữa. Hà Lan cũng vậy. Giờ ra chơi nói cứ lẽo đẽo đi theo đám bạn gái của nó, túm tụm dưới những hàng dương liễu chạy dọc theo hàng rào quanh trường. Đó là sân chơi bất di bất dịch của bọn con gái, còn bọn con trai chúng tôi thì tung hoành trên khoảng sân mênh mông còn lại.
Suốt quãng đời trung học, Hà Lan ngày nào cũng ngồi lẫn trong những tà áo trắng dưới gốc dương liễu, bỏ mặc tôi với những buồn vui không người bày tỏ, những ước mơ xa vời và những trận đánh nhau ngày càng hiếm hoi nhưng không thiếu những vết bầm đáng giá, luôn luôn hoài vọng bàn tay chăm sóc năm nào.
Chỉ có những ngày cuối tuần, trở về thăm làng, tôi và Hà Lan mới trở lại là đôi bạn ngày xưa còn bé.
Chiều thứ bảy nào cũng vậy, cứ đến khoảng năm giờ là ba tôi chạy xe gắn máy ra huyện đón tôi về. Đến tuần thứ ba thì mẹ Hà Lan nhờ ba tôi đón giúp cả Hà Lan. Đối với tôi, đó là một ngày đáng nhớ.
Dĩ nhiên Hà Lan không chịu ngồi chung với tôi ở yên sau. Nó mắc cở, điều trước đây chưa từng có. Tôi đành nhường yên sau cho nó, lên ngồi đằng trước với ba tôi.
Tôi ngồi nhấp nhổm như con cóc, chân đạp vào sườn xe, tay bám chặt ghi đông, lòng cứ lo nơm nớp. Tôi sợ té dọc đường. Té khi xe đang chạy, chắc chắn không chỉ u đầu và dập mũi. Mà tôi sẽ nằm quay lơ ra đất, chết thẳng cẳng. Nhẹ nhất cũng què tay hoặc quẹo cổ, Hà Lan sẽ nghỉ chơi với tôi. Nghĩ vậy, tôi gồng mình nắm khư khư cái ghi đông, tay mỏi nhừ. Tôi cứ nắm như thế, mãi đến tận rừng Sim.
Rừng Sim nằm ở ven làng, cách giếng Cây Duối non bốn cây số. Bao giờ về ngang rừng Sim, ba tôi cũng dừng lại, để xe bên vệ đường và dắt tôi và Hà Lan vào rừng hái sim.
Có khi tôi và Hà Lan để mặc ba tôi đi sâu vào rừng hái sim một mình, chúng tôi lon khom đi tìm bông dủ dẻ hoặc tìm hái những trái chà là trên những cành nhánh đầy gai. Gai chà là chích đau thấu xương, khi chảy máu tôi thường đưa ngón tay lên miệng ngậm, về đến nhà vần còn buốt.
Tôi và Hà Lan đều thích bông dủ dẻ, đứa nào cũng mê mùi thơm của nó. Riêng về khoản chà là, chỉ có mình tôi thích. Thỉnh thoảng, mẹ tôi vẫn mua chà là ngoài chợ về cho tôi. Chà là ngoài chợ người ta bán từng lon. Mình tôi ăn một lon, vẫn còn thèm, vẫn thấy như … chưa ăn gì. Hà Lan lại khác, nó chê chà là tối mày tối mặt. Nó bảo trái chà là toàn hột là hột, ăn chán bỏ xừ. Nó khoái những trái trâm hơn.
Rừng Sim quê tôi trâm mọc rải rác. Thân trâm cao, mảnh, đàn bà con gái trong làng vào rừng nhặt củi, bao giờ cũng thích tha về những cành trâm khô gãy. Trái trâm mọc thành từng chùm, tím như thuốc nhuộm, ăn vào miệng một hồi, miệng tím như ngậm mực.
Hà Lan thích trâm, tôi trèo lên cây, hái từng chùm trái liệng xuống cho nó. Nó bứt từng trái bỏ vào miệng nhằn lấy nhằn để. Trái trâm cũng chín phần hột một phần cơm, còn “chán bỏ xừ” hơn trái chà là, không hiểu sao Hà Lan lại thích. Nhưng tôi chẳng thèm thắc mắc, hễ Hà Lan thích là tôi phải chiều.
Tôi đóng vai con khỉ trèo cây, mê mải hái, đến khi tụt xuống đất, ngoảnh lại thấy Hà Lan lạ hoắc. Nó cười với tôi bằng đôi môi và hàm răng tím ngắt. Tôi bảo nó thè lưỡi ra, lưỡi nói hệt lá chuối nước.
Ba tôi bước ra thấy vậy, hoảng hồn. Không dám chở Hà Lan về nhà với dung nhan như vậy, ba tôi chở thẳng nó về nhà tôi, bắt nó lấy nước súc miệng rửa mặt sạch sẽ mới đưa nó về với mẹ nó.
Bà tôi hỏi tôi:
– Hà Lan sao vậy cháu ?
Tôi cười:
– Nó ăn trâm.
– Trâm ở đâu mà ăn?
– Trâm cháu hái cho nó. Cháu hái ở trong rừng Sim.
Bà tôi không hỏi nữa. Tự dưng bà nói:
– Con bé đó dễ thương.
Còn tôi cũng tự dưng hùa theo:
– Đôi mắt nó giống hệt đôi mắt ba nó, bà ạ !
Tôi nói không rõ ý lắm nhưng bà tôi hiểu tôi muốn khen đôi mắt của Hà Lan. Bà gật đầu va nói, giọng xa vắng:
– Nhưng dù sao đời nó sẽ khổ.
Những tiếng cuối cùng, bà hạ giọng nhưng tôi vẫn nghe rõ. Không hiểu sao, tôi lại buột miệng:
– Lớn lên, cháu sẽ cưới nó làm vợ, bà ạ !
Bà tôi giật mình và nhìn tôi một thoáng. Ánh mắt của bà cho tôi biết rằng bà xem điều tôi vừa nói là một ý định đứng đắn và chững chạc. Một lát, bà nói, giọng nghiêm trang:
– Bà cũng mong như vậy.
Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không cắt nghĩa được tại sao lúc đó tôi lại nói với bà tôi nhừng lời như vậy và tại sao bà tôi cũng lại nói với tôi những lời như vậy. Tuy nhiên đó là lần duy nhất hai bà cháu tôi trò chuyện với nhau như những người bạn lớn. Và dẫu là lần duy nhất, tôi không bao giờ quên. Cả bà tôi cũng vậy. Tôi biết bà vẫn nhớ như in những mong mỏi của bà. Cho đến lúc nhắm mắt, có lẽ bà vẫn tin rằng khi vắng bà, những chuyện còn lại trên mặt đất vẫn sẽ êm đẹp như lòng bà hằng muốn.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mắt Biếc |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Nguyễn Nhật Ánh, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 11/06/2016 11:44 (GMT+7) |