Nếu Tống Triêu Độ bước vào được danh sách những nhân vật đứng trên đỉnh trời, thì có thể là chỗ dựa lớn nhất trong phạm vi trước mắt của Hạ Tưởng !
Lý Đinh Sơn thấy cả Tống Triêu Độ và Hạ Tưởng đều hết lòng hết sức vì chuyện của ông ta, thì cảm kích vô cùng, nâng chén mời Tống Triêu Độ và Hạ Tưởng:
– Từ Trưởng ban thư ký lên đến Phó bí thư, tuy rằng chiều ngang không lớn, nhưng cảm giác đã khác rồi, có thể có được sự ủng hộ mạnh mẽ của Triêu Độ và Hạ Tưởng, tôi cũng muốn ra sức một phen, không thể để mọi người thất vọng.
Trưởng ban thư ký là ủy viên thường vụ, tuy cùng là cấp Giám đốc sở cùng với Phó bí thư, nhưng cơ cấu quyền lực thì chênh lệch nhau rất nhiều. Quyền hạn của Trưởng ban thư ký chủ yếu chỉ phụ trách mấy việc vặt vãnh trong Thành ủy, nói theo bản chất chính là nhân vật đại quản gia của Thành ủy. Nhưng Phó bí thư thì khác, Phó bí thư hoàn toàn nằm trong danh sách lãnh đạo Thành ủy, được phân công quản lý các nhân sự quan trọng và việc của Đảng, xếp hạng trong hội nghị thường vụ cũng nằm ở vị trí phía trước, hơn nữa quyền lên tiếng cũng tăng nhiều. Chỉ cần đề cập đến quyền hạn về nhân sự cũng đã là quyền lực vô cùng quan trọng rồi.
Có thể nói, sau khi hết khóa, từ vị trí Phó bí thư chuyển tiếp lên một bước nhỏ là có thể đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thành phố, đi nhanh nhất là có thể lên làm Bí thư, là một chức vụ vô cùng mấu chốt.
Lý Đinh Sơn tuy là được đặc biệt đề bạt từ cấp Cục trưởng lên cấp Giám đốc sở, nhưng cũng đã ở vị trí Trưởng ban thư ký được vài năm, lại ở thêm tại vị trí Phó bí thư vài năm nữa, vậy cũng coi như lý lịch kinh nghiệm đủ. Nếu thời gian cho phép và gặp được kỳ ngộ, thì trước khi Lý Đinh Sơn về hưu cũng có thể lên được cấp tỉnh, cũng không phải vấn đề lớn.
Vậy phải xem lúc này có thể thuận lợi tiếp nhận chức vụ Phó bí thư hay không.
Nếu Lý Đinh Sơn có thể tiếp nhận chức vụ Phó bí thư, ông ta sẽ để lại một ghế Trưởng ban thư ký còn trống, khẳng định có không ít người nhòm ngó. Tuy nhiên đó không phải vấn đề Hạ Tưởng cần suy nghĩ. Hạ Tưởng hiểu rõ một sự thật, có thể lấy vị trí Phó bí thư cũng đã vô cùng tốt rồi, nếu còn tham lam thấy không đủ, còn muốn cả vị trí Trưởng ban thư ký, thì đúng là không thức thời.
Tuy nhiên nghe Tống Triêu Độ nói thì gần đây Diệp Thạch Sinh và Lý Ngôn Hoằng có qua lại mật thiết, có hơi chút chệch khỏi dự đoán của Hạ Tưởng. Tâm tư hiện tại của Diệp Thạch Sinh, Hạ Tưởng không đoán được chính xác, nhưng cũng có thể đại khái biết chắc là ông ta đã đặt phần lớn tinh lực để bước tiếp theo có thể bay lên trên một bước, có ý hướng về phía Bắc Kinh. Người hướng lên chỗ cao, Diệp Thạch Sinh có ý tưởng tiến thêm một bước là chuyện bình thường.
Nhưng Diệp Thạch Sinh lại cùng xuất hiện với Lý Ngôn Hoằng, khiến cho Hạ Tưởng nghi ngờ, rốt cuộc là chính Lý Ngôn Hoằng muốn tạo quan hệ tốt với Diệp Thạch Sinh, hay là chịu sự ủy thác của Ngô Tài Dương, muốn lôi kéo Diệp Thạch Sinh, để Diệp Thạch Sinh lựa chọn khuynh hướng theo lập trường của Ngô gia sao ?
Một thời gian trước, Diệp Thạch Sinh ở vào thế khó xử rất lâu bởi vì vấn đề ứng cử viên cho vị trí Trưởng ban tổ chức cán bộ Thành ủy, đứng giữa Phó gia và Khâu gia, vẫn do dự không chắc, không xác định được chủ ý. Cuối cùng may là bởi vì Phó Tiên Phong chủ động nhượng bộ, áp dụng kế lừa gạt, mới thuận lợi giải quyết được vấn đề khó khăn. Theo lý thuyết, sau khi Khâu Tự Phong lấy được vị trí Trưởng ban Tổ chức cán bộ, thì chắc chắn là giữa Khâu gia và Diệp Thạch Sinh phải qua lại nhiều hơn mới đúng, nhưng lúc này Diệp Thạch Sinh vẫn qua lại thân thiết với Thôi Hướng, đồng thời còn kết giao với Lý Ngôn Hoằng, có thể thấy được, khả năng là Diệp Thạch Sinh không lựa chọn khuynh hướng theo lập trường của Khâu gia.
Hiện tại có thể đang dao động ở giữa Ngô gia và Phó gia.
Nói không chừng khiến Lý Ngôn Hoằng và Diệp Thạch Sinh thiết lập quan hệ mật thiết chính là tác phẩm do Ngô Tài Dương tạo nên !
Hạ Tưởng vẫn luôn cho rằng Ngô Tài Dương có thừa sự mạnh mẽ và cứng rắn nhưng không đủ khả năng bày mưu tính kế, có vẻ nhấn mạnh thực lực một cách thái quá. Trong chính trị, quả thực là thực lực có ảnh hưởng quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định duy nhất. Bởi vì khi một nhà có thực lực mạnh hơn cũng không có nghĩa sẽ địch lại tất cả mọi người. Giống như nước Mỹ vậy, cũng chỉ dám đề xuất giọng điệu phải đánh thắng được hai cuộc chiến mà không phải là đánh thắng tất cả các quốc gia. Trong chính trị, quan trọng là kết hợp ngang dọc, tiêu diệt từng bộ phận trọng yếu, thắng được thiện cảm và sự ủng hộ của đa số mới là quan trọng hơn cả.
Năm đó Trung Quốc cũng là được đại đa số các quốc gia nghèo nhất Châu Phi nâng đỡ vào Liên hiệp quốc, nên các nước phát triển phương Tây có phản đối mạnh mẽ cũng không có hiệu quả.
Nếu nói là dưới sự bày mưu tính kế của Ngô Tài Dương mà Lý Ngôn Hoằng bắt đầu có kế hoạch tiếp xúc với Diệp Thạch Sinh, vậy cũng là một cơ hội không tồi, cũng chứng minh lần này Ngô Tài Dương không biểu hiện một cách mạnh mẽ giống như chuyện Trưởng ban thư ký lần trước, mà ông ta cũng có tâm tư kín đáo, muốn sắp đặt cho lâu dài.
Nhưng thế này chưa là gì, tình hình còn có thể ngày càng biến hóa phức tạp, vẫn chưa xác định được tính cách của Diệp Thạch Sinh. Ông ta không điềm tĩnh như Tống Triêu Độ, Tống Triêu Độ thì một khi đã nhận định sự việc thì rất khó thay đổi, cũng không giống như Phạm Duệ Hằng khiến cho người ta khó cân nhắc, nhưng tổng thể mà nói, Phạm Duệ Hằng vẫn có lập trường nhất quán, không dễ dàng thay đổi. Còn Diệp Thạch Sinh cho dù không đến mức thay đổi xoành xoạch nhưng lại dễ dàng bị người khác ảnh hưởng, dẫn tới thay đổi lập trường vốn có.
Từ hai lần Diệp Thạch Sinh không nghe điện thoại của Hạ Tưởng là hắn có thể cảm giác được thái độ của Diệp Thạch Sinh đối với hắn có thay đổi tinh tế.
Đồng thời Hạ Tưởng cũng biết rõ, ánh mắt của Tống Triêu Độ luôn luôn chuẩn xác, ông ta nói Diệp Thạch Sinh và Thôi Hướng có qua lại mật thiết, còn kết giao với Lý Ngôn Hoằng, thì khẳng định là kết luận đã trải qua quan sát cẩn thận mà ra, chứ không phải là thuận miệng mà nói.
Cơm nước xong, Hạ Tưởng không quay về Tống gia, mà nói thẳng lời chào từ biệt. Tống Triêu Độ cũng không giữ lại, Tống Nhất Phàm hơi lưu luyến không muốn rời, cảm thấy Hạ Tưởng về quá sớm, mới tám giờ đã vội vã về nhà, thật đúng là một người đàn ông tốt biết lo cho gia đình.
Hạ Tưởng liền cười:
– Trách nhiệm chính của đàn ông là lo cho gia đình, cũng giống như Phó chủ tịch tỉnh Tống vậy, ở bên ngoài có nghiêm túc thế nào nhưng đối với em thì lúc nào cũng ưu ái. Em phải thông cảm với tấm lòng của một người đàn ông, nhất là một người cha, có thể không hiểu, nhưng nhất định phải tiếp nhận.
Không biết là Tống Nhất Phàm nghe hiểu được thật hay là giả bộ, mà ôm lấy cánh tay Tống Triêu Độ:
– Em yêu cha nhất, em cảm thấy so với mẹ thì về mặt công việc hay gia đình thì cha đều không tồi, đối với em lại hết mực yêu thương. Khi trưởng thành nhất định em phải hiếu kính đối với cha.
Nghe được một câu nói mà Tống Triêu Độ lập tức cảm thán hàng nghìn hàng vạn lần, xoa xoa đầu Tống Nhất Phàm:
– Con chỉ cần thành người cho tốt, đừng làm cha phải lo lắng, vậy là được rồi.
Lý Đinh Sơn không cùng Hạ Tưởng đi khỏi, phỏng chừng ông ta còn muốn nói ra suy nghĩ của mình với Tống Triêu Độ. Nhìn thấy rõ được Lý Đinh Sơn hơi hưng phấn, dù sao là do Hạ Tưởng đề nghị chứ ông ta vốn không có gì ý tưởng gì, đột nhiên có thể tiếp nhận chức vụ Phó bí thư, cho dù là ai cũng đều tỏ ra mừng rỡ như điên.
Lý Đinh Sơn thì cảm tạ Hạ Tưởng từ tận đáy lòng. Tuy rằng cấp bậc của Hạ Tưởng không cao bằng ông ta, lại trẻ hơn ông ta, nhưng ông ta hiểu rõ, nếu không có quan hệ của Hạ Tưởng, chỉ bằng một mình Tống Triêu Độ, thì ông ta không có khả năng tiếp nhận được chức vụ Phó bí thư. Bởi vì quan hệ giữa Tống Triêu Độ và Mai Thái Bình chỉ ở mức bình thường, nếu Hạ Tưởng không ra mặt, thì ngay cả chuyện đề xuất tên tuổi cũng có thể ông ta sẽ không được thông qua.
Hạ Tưởng trợ giúp Lý Đinh Sơn cũng là vì tán thành cách đối nhân xử thế của Lý Đinh Sơn, bởi vì quan hệ giữa hắn và Lý Đinh Sơn không phải tầm thường. Lý Đinh Sơn lên chức sẽ tốt hơn nhiều so với người khác. Mặt khác, cũng là vì kế lâu dài của hắn. Tặng hoa hồng cho người, tay cũng được thơm lây, câu nói này có ý chỉ, đạo lý trong cuộc sống hằng ngày, trong quan trường cũng là như vậy, trợ giúp người mình tín nhiệm và trợ giúp chính mình là hai chuyện không khác biệt.
Vừa về đến nhà, vào cửa Hạ Tưởng đã ôm con vào trong lòng, trêu đùa làm nó mỉm cười một lúc, sau đó lại nói chuyện với cô bé Lê một lát, rồi mới đến thư phòng, gọi điện thoại cho Tào Vĩnh Quốc.
Hắn nói chuyện với Tào Vĩnh Quốc rất đơn giản. Hiện tại giữa Hạ Tưởng và Tào Vĩnh Quốc, nếu không phải là cuộc là nói chuyện giữa hai người đàn ông thì là hai người trong giới quan trường nói chuyện với nhau, không có một câu chuyện nhà. Không giống như những cuộc điện thoại giữa cô bé Lê và Vương Vu Phân, Hạ Tưởng ở bên cạnh nghe xong mà buồn cười. Hai người nói với nhau cả nửa giờ đồng hồ, cũng chỉ là chuyện đứa nhỏ mỉm cười vài lần, khóc vài tiếng, ăn nhiều hay ăn ít, những chuyện linh, hoàn toàn không giống những cuộc điện thoại giữa hắn và Tào Vĩnh Quốc, tuyệt đối là nói chuyện chính sự, hơn nữa chưa bao giờ buôn chuyện tào lao.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Quan Trường – Quyển 7 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 19/10/2017 13:38 (GMT+7) |